Bài giới thiệu sách tháng 4
08:46:25 24/04/2024>
THPT Cầu Giấy Bài giới thiệu sách tháng 4 Chủ đề: Chào mừng ngày sách và văn hóa đọc 21/4; ngày sách và bản quyền thế giới 23/4 Tên sách: Tám trận đánh nổi tiếng đất Hà Thành Tác giả: Nguyễn Sinh Thủy ______________________ |
Theo chiều dài lịch sử của dân tộc, trong quá trình đấu tranh dựng nước và giữ nước, mảnh đất Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội là nơi đã diễn ra rất nhiều trận đánh nổi tiếng với những chiến thắng lẫy lừng. Là người con của Việt Nam nói chung, của Thủ đô nói riêng, chúng ta phải hiểu về lịch sử hào hùng và tinh thần chống giặc kiên cường, bất khuất của cha ông ta. Và để hiểu được điều đó, chúng ta hãy tìm đọc cuốn sách "Tám trận đánh nổi tiếng đất Hà Thành" của tác giả Nguyễn Sinh Thủy. Cuốn sách được nhà xuất bản Hà Nội phát hành năm 2019, dày 188 trang đã giới thiệu đầy đủ 8 trận đánh nổi tiếng. Đây là 8 trận đánh lẫy lừng, vang danh kim cổ của quân dân ta đã diễn ra trên mảnh đất kinh kì ngàn năm văn hiến.
Mở đầu là “Trận đánh nổi tiếng đầu công nguyên” do hai nữ tướng oai hùng trong lịch sử lãnh đạo, với sự hưởng ứng của nhân dân đã đập tan ách thống trị nhà Hán, giải phóng đất nước, khôi phục lại nền độc lập tự do dân chủ cho đất nước. Các bạn có biết đó là những vị nữ tướng nào không? Đây là cuộc khởi nghĩa đầu tiên chống lại chế độ Bắc thuộc, đánh đuổi thế lực cai trị của Đông Hán ra khỏi Giao Chỉ. Người lãnh đạo của cuộc khởi nghĩa là hai chị em Trưng Trắc và Trưng Nhị. Cuộc khởi nghĩa của hai Bà là cuộc khởi nghĩa đầu tiên trong lịch sử Việt Nam do phụ nữ lãnh đạo. Cuộc khởi nghĩa nổ ra làm chấn động cả cõi Nam. Từ trong ngọn lửa của cuộc nổi dậy oanh liệt ấy tỏa ra chân lý lịch sử "Một dân tộc dù nhỏ bé nhưng tự mình đã dựng nên, làm chủ đất nước và số phận mình. Không một sức mạnh nào tiêu diệt được nó".
Thứ 2: Trận Chương Dương Độ là một trận đánh nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam diễn ra tại bến Chương Dương (nay thuộc địa phận xã Chương Dương, huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội). Tại đây, vào cuối tháng 6 năm 1285 các lực lượng quân Trần đã tập kích phá tan căn cứ thủy quân Nguyên, mở ra thời cơ đánh úp đại bản doanh của quân Nguyên, tái chiếm kinh thành Thăng Long.
Thứ 3: Trận Tốt Động – Chúc Động là trận đánh diễn ra trong các ngày 5-7 tháng 10 năm Bính Ngọ (1426), giữa nghĩa quân Lam Sơn với quân Đại Minh đóng ở Đông Quan (thủ đô Hà Nội ngày nay). Đây là một chiến thắng quân sự lớn của nghĩa quân Lam Sơn. Trận Tốt Động - Chúc Động đã làm phá sản kế hoạch phản công của Vương Thông đồng thời tạo ra lợi thế cho nghĩa quân Lam Sơn buộc quân Minh phải rút về cố thủ và chấp nhận đàm phán.
Thứ 4: Trận Ngọc Hồi – Đống Đa do vua Quang Trung lãnh đạo vào đầu năm Kỷ Dậu 1789, đánh tan đội quân Mãn Thanh do Tôn Sĩ Nghị chỉ huy - kéo sang biên giới và tràn vào lãnh thổ Đại Việt do sự cầu viện của vua Lê Chiêu Thống nhà Hậu Lê. Đây là chiến thắng quân sự tiêu biểu, thể hiện tài năng cầm quân của hoàng đế Quang Trung nhà Tây Sơn. Quân Thanh có quân số đông hơn, có cả ưu thế về địa hình, lại cộng thêm cả quân Lê Chiêu Thống hỗ trợ. Nhưng bất chấp những khó khăn đó, vua Quang Trung đã hành quân thần tốc và đánh tan lực lượng quân Thanh và Lê Chiêu Thống, chiếm lại được kinh đô Thăng Long chỉ trong vòng 5 ngày. Chiến thắng này đã giữ vững sự tồn tại của nước Đại Việt trước họa xâm lược, chấm dứt kế hoạch xâm chiếm của nhà Thanh. Lê Chiêu Thống phải chạy theo quân Thanh sang Trung Quốc, đánh dấu việc nhà Tây Sơn trở thành triều đại mới của nước Việt Nam, nắm quyền cai quản đất Bắc Hà.
Thứ 5: Trận thành Hà Nội 1873 hay còn gọi là trận thành Hà Nội lần thứ nhất là một phần của cuộc chiến tranh Pháp Việt (1858-1884), diễn ra vào ngày 20 tháng 11 năm 1873. Quân viễn chinh Pháp bất ngờ đánh úp thành Hà Nội và nhanh chóng chiếm được thành trì này. Tuy nhiên, họ không thể “đánh chiếm” được tấm lòng trung nghĩa son sắt của những người giữ thành, trong đó người tiêu biểu là tướng chỉ huy Nguyễn Tri Phương.
Thứ 6: Trận thành Hà Nội 1882 hay còn gọi là trận thành Hà Nội lần thứ hai là một phần của cuộc chiến tranh Pháp Việt (1858-1884) diễn ra ngày 25 tháng 4 năm 1882. Đây là trận đánh giữa quân Pháp dưới quyền chỉ huy của Henri Rivière đánh thành Hà Nội, với lực lượng quân Nam do Tổng Đốc Hoàng Diệu chỉ huy. Kết quả thành Hà Nội thất thủ nhanh chóng chỉ sau vài giờ nổ súng, Tổng đốc Hoàng Diệu tự vẫn.
Thứ 7: Trận quân Pháp đánh úp thành Hà Nội lần thứ 3 từ ngày 19/12/1946 - 17/2/1947. Đây chính là trận chiến 60 ngày đêm khói lửa khiến giặc Pháp phải kinh hoàng trước tinh thần chiến đấu vô cùng anh dũng, sức kiên trì, bền bỉ, chịu đựng hy sinh, gian khổ của quân dân Hà Nội. Chiến công của trận đánh không chỉ là niềm kiêu hãnh, tự hào của Đảng bộ và quân dân Hà Nội anh hùng mà còn là niềm kiêu hãnh, tự hào chung của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta trong thời kỳ đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Thứ 8: Gần 2000 năm sau trận đánh nổi tiếng đầu công nguyên, cũng tại mảnh đất thiêng liêng này, vào tháng 12 năm 1972, trận chiến “Điện Biên Phủ trên không” trên bầu trời Hà Nội đã gây chấn động địa cầu, tạo tiền đề “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào”. Trận “Điện Biên Phủ trên không” là thắng lợi của ý chí và trí tuệ Việt Nam, là sức mạnh của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và đường lối chiến tranh nhân dân của Đảng trong giai đoạn mới. Đồng thời trận chiến này góp phần không nhỏ vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Cuốn sách “Tám trận đánh nổi tiếng đất Hà Thành” có số đăng ký TK 7864 hiện đang có mặt trên tủ sách trường THPT Cầu Giấy. Để hiểu rõ hơn về 8 trận đánh này, thầy cô và các bạn HS hãy đến thư viện tìm đọc cuốn sách nhé. Chắc chắn khi đọc xong cuốn sách, bạn đọc sẽ có được những kiến thức bổ ích và thêm tự hào về lịch sử dân tộc Việt Nam.
-
THÔNG BÁO VỀ CÔNG TÁC CÁN BỘ
-
Cầu Giấy sinh hoạt chính trị về "Kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc"
-
CHƯƠNG TRÌNH GIAO LƯU VỚI HS - SV NHẬT BẢN- ĐÔNG Á (JENESYS) NĂM 2024
-
CUỘC THI TRANH BIỆN TIẾNG ANH “UTOPIA” LẦN THỨ 2 TRƯỜNG THPT CẦU GIẤY
-
CHUYÊN ĐỀ: “SỬ DỤNG MẠNG XÃ HỘI TÍCH CỰC TRONG HỌC TẬP”
-
CHƯƠNG TRÌNH “LIÊN HOAN TIẾNG HÁT ĐẠI GIA ĐÌNH CẦU GIẤY”