Chủ nhật, 19/01/2025, 06:28:47 AM

  • Nhiệt liệt chào mừng 70 năm thành lập ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô (1954-2024)!

QUẬN CẦU GIẤY, MỘT VÙNG ĐẤT VỚI BỀ DÀY LỊCH SỬ

21:45:42 17/09/2017

 Nằm ở cửa ngõ phía Tây của kinh thành Thăng Long xưa, Cầu Giấy là môt địa bàn chiến lược vô cùng quan trọng, là cứ điểm vòng ngoài rất lợi hại để tiến vào nội thành.

    Ngăn cách giữa vùng đất Cầu Giấy với nội thành Thăng Long xưa là dòng sông Tô Lịch. Dòng sông này hội lưu và phân lưu cùng nhánh Kim Ngưu thành một vùng ngã ba sông, một vùng thông lên vùng cửa hồ của Hồ Tây, còn dòng chảy xuôi thì võng xuống tận Nam Kinh thành, để rồi gặp lại sông mẹ làm nên tuyến hào nước. Đi từ cửa Tây của Hoàng Thành Thăng Long, cắt qua sông Tô Lịch, chạy thẳng lên xứ Đoài - Sơn Tây, ấy là tiền thân của tuyến đường Cầu Giấy, là hạt nhân hình thành vùng đô thị sầm uất ngày nay. Nối đường với sông là cây cầu mang tên Cầu Giấy.

 

 

 

 

 

    Sở dĩ mang tên Cầu Giấy vì thời xưa ở đây có ông tổ nghề làm giấy là người Trung Quốc đến đây truyền nghề làm giấy cho nhân dân khắp vùng. Làng Yên Hòa làm giấy thô, giấy gió, làng An Thái làm giấy bản, giấy lệnh, làng Nghĩa Đô làm giấy sắc phong.

                              Ai ơi đứng lại mà trông.

                           Kìa vạc nấu dó, kìa sông đãi bìa.

    Vào thế kỉ XVII, cây Cầu Giấy là một công trình kiến trúc “thượng gia hạ kiều”. Đây là kiểu cầu phổ biến ở nước ta thời xưa, dưới là cầu, trên là nhà cho khách qua đường dừng chân nghỉ ngơi. Cầu gồm 15 nhịp, dài 15 gian, nhạn bay qua tưởng là núi, ánh hồng rực rỡ tựa tòa lầu cao ngất (theo lời văn bia trùng tô Giang Kiều 1679).

    Cùng với sự trường tồn, cổ kính của kinh thành Thăng Long, vùng đất Cầu Giấy có một bề dày lịch sử rất đáng tự hào.

    Vào thời Bắc thuộc, vùng này vốn là vùng đất thuôc huyện Luy Lâu (đời Hán), từ đời Đường được tách ra đặt châu Từ Liêm. Đến đầu thời Gia Long đây là một phần của huyện Từ Liêm, phủ Quốc Oai, trấn Sơn Tây. Thời Pháp thuộc, Từ Liêm thuộc tỉnh Hà Đông. Đến 1982, xã Dịch Vọng được tách ra một phần để thành lập thị trấn Cầu Giấy, và thị trấn này trở thành thủ phủ cho một huyện Từ Liêm rộng lớn ở ngoại thành phía Tây thủ đô Hà Nội, trước khi trở thành hạt nhân và chuyển hẳn tên gọi cho một quận mang tên Cầu Giấy.

    Ngày 01/9/1997 quận Cầu Giấy chính thức thành lập. Đây là một dấu mốc lớn đánh dấu quá trình phát triển, trưởng thành của vùng đất này. Cầu Giấy từ một vùng ven đô đã trở thành một quận nội đô.

    Trong suốt chặng đường dài đã qua đó, người Cầu Giấy đã chứng kiến nhiều thăng trầm của quê hương, đất nước.

    Trong cuộc kháng chiến chống quân Minh xâm lược đầu thế kỉ XV, Cầu Giấy là nơi tập kết quân quan trọng của nghĩa quân Lam Sơn cùng với những cánh quân khác tiến công chiếm lại Kinh Thành.

     Đến cuối thế kỉ XIX, khi thực dân Pháp mở rộng đánh chiếm Hà Nội thì Cầu Giấy là một trận địa, một chiến trường hiển hách. Trong hai lần thực dân Pháp mở rộng, tấn công ra Bắc Kì đánh chiếm Hà Nội thì cả hai lần đó chúng đều thảm bại tại Cầu Giấy ( lần 1: 1873, lần 2: 1883). Quân ta do Hoàng Tá Viêm và Lưu Vĩnh Phúc chỉ huy đã tổ chức hai trận phục kích nổi tiếng, tiêu diệt hầu hết quân địch, hai tướng giặc là Gacnier và Rivier đều bị chết thê thảm. Thắng lợi của ta trong hai trận đánh này đã gây khó khăn rất lớn cho thực dân Pháp trong việc mở rộng xâm chiếm Bắc kì. Hiện nay ngôi mộ tượng trưng của Gacnier vẫn còn ở Giảng Võ, còn mộ Rivier ở trước bưu điện Cầu Giấy, như một minh chứng cho những trang sử hào hùng của nhân dân ta cũng như nhân dân quận Cầu Giấy trong cuộc đấu tranh bảo vệ đất nước.

    Cho đến những năm chuẩn bị cho cách mạng tháng Tám thì ở Yên  Hòa - Cầu Giấy đã có cơ sở cách mạng của xứ ủy Nam Kì, rồi từ đây phát triển sang Dịch Vọng trung, Dịch Vọng tiền. Sáng sớm 19/8/1945, hàng nghìn nhân dân ngoại thành đã biểu tình tuần hành qua Cầu Giấy để vào nội thành tham gia khởi nghĩa. Sau khi tổng khởi nghĩa thắng lợi, khu Cầu Giấy trở thành chỗ trú chân vững vàng của thành ủy Hà Nội.

    Trong những năm tháng đất nước bước vào cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ gian khổ, nhân dân Cầu Giấy cùng nhân dân Hà Nội đã chiến đấu vô cùng dũng cảm, góp phần vào thắng lợi chung của toàn dân tộc.

 

 

 

 

        Từ khi thành lập Quận đến nay, quận Cầu Giấy đã tròn 20 tuổi. Dù quãng thời gian đó chưa dài, nhưng quận Cầu Giấy đã và đang khẳng định được mình trong sự phát triển chung của toàn thành phố. Những thành tựu về kinh tế, văn hóa, xã hội đang vun đắp thêm vào bề dày truyền thống đáng tự hào của vùng đất địa linh nhân kiệt này.

                                                                                                   

                                                                                    Tác giả : Cô giáo Trịnh Thị Thư

                                                 

 

                                                                                                                                                                    

Hỗ trợ trực tuyến

Hotline:

(+84)

Tư vấn tuyển sinh 01

Tel: 024.62813027

Tư vấn tuyển sinh 01

Tel: 024.62813028

Liên kết website

Bản đồ đường đi

Bản đồ đường đi trung học phổ thông cầu giấy

Thống kê truy cập

Đang online:14

Đã truy cập:1744382