Thứ hai, 06/05/2024, 01:09:55 AM

  • THPT CẦU GIẤY - HÀ NỘI

Trao đổi về công tác chủ nhiệm

08:14:46 26/03/2015

Ở trường THPT hiện nay, GVCN có vị trí, vai trò vô cùng quan trọng. GVCN là cầu nối giữa Ban Giám hiệu, giữa tổ chức trong, ngoài trường học, giữa giáo viên bộ môn với tập thể học sinh lớp chủ nhiệm. Nói một cách khác GVCN là người đại diện hai phía: một mặt đại diện cho các lực lượng giáo dục của nhà trường, mặt khác đại diện cho tập thể học sinh. Như chúng ta đã biết: Tập thể học sinh là một bộ phận của tập thể nhà trường. Mỗi tập thể học sinh vững mạnh thì nhà trường sẽ vững mạnh. Do đó việc xây dựng tập thể học sinh trở thành một tổ ấm thực sự mà trong đó mọi thành viên đều đồng lòng quyết tâm phấn đấu là một nội dung công tác quan trọng của người GVCN. Với kinh nghiệm và uy tín của mình khi xác định rõ vị trí vai trò quan trọng trong công tác chủ nhiệm. Bất kỳ GVCN nào đều có khả năng biến đổi những chủ trương kế hoạch đào tạo của nhà trường thành chương trình hành động của tập thể lớp và của mỗi học sinh.

Với kinh nghiệm nhiều năm liên tục làm chủ nhiệm lớp, bản thân tôi nhận thấy để làm tốt công tác chủ nhiệm lớp, điều đầu tiên người GVCN phải có tấm lòng biết cảm thông, chia sẽ những khó khăn của các em. GVCN biết giải quyết thấu đáo những nguyện vọng của học sinh. Trong lớp học thầy cô phải đóng vai trò như người anh, người chị, người cha, người mẹ thứ hai biết yêu thương, quan tâm và hiểu được mọi tâm tư nguyện vọng của học sinh để các em có thể tin tưởng, nhờ cậy được. GVCN cũng phải nắm được đặc điểm hoàn cảnh, năng lực hoạt động, năng khiếu của từng học sinh để phát huy trí tuệ tập thể. Đồng thời GVCN phải nắm bắt mọi sự việc xảy ra trong lớp học để có hướng xử lý kịp thời. Đặc biệt với học sinh cá biệt hay những em thiếu cha, vắng mẹ, thiếu sự quan tâm của gia đình thì sự ân cần, cảm thông từ thầy cô chủ nhiệm có sức cảm hóa rất mạnh.

Để học sinh đạt được sự chủ động, tích cực, GVCN phải xây dựng một Ban cán sự lớp đầy nhiệt huyết, tự tin đoàn kết, chọn học sinh học lực từ khá trở lên có uy tín, có khả năng điều khiển mọi hoạt động của lớp. Với những em cán bộ lớp chưa thực sự gương mẫu, thiếu trách nhiệm, thích lạm dụng quyền lực, luôn "ra oai", coi thường bạn bè, chỉ dùng mệnh lệnh...thì GVCN phải khéo léo, tế nhị hướng dẫn các em có thái độ đúng, tránh phê bình thô bạo cứng nhắc, làm mất uy tín danh dự của cán bộ lớp, khiến các em có thể nảy sinh những hành vi tiêu cực, có hại phong trào tự quản của lớp.

Bên cạnh việc xây dựng đội ngũ cán bộ lớp gương mẫu, có uy tín thì GVCN cần lập sơ đồ, sắp xếp tổ chức vị trí học sinh trong lớp phù hợp. Cụ thể, học sinh yếu kém, chậm tiến ngồi trước để thường xuyên được quan tâm, những học sinh khá và cán bộ lớp ngồi sau. Những học sinh “đặc biệt” về học lực hoặc về ý thức, nên xếp cùng những học sinh có lực học khá, ý thức tốt để các em kèm cặp giúp đỡ lẫn nhau.

Cụ thể: mỗi em yếu kém nhất được phân công một bạn giúp đỡ: thường xuyên kiểm tra việc chuẩn bị bài, học bài của bạn vào giờ truy bài đầu buổi học. Thậm chí, nếu các em chưa tự học và làm bài trước khi đến lớp thì phải tận dụng, tranh thủ giờ ra chơi xem lại bài cũ… Bằng cách đó lớp tôi chủ nhiệm (lớp B) các em đã có ý thức học bài và làm bài tập, hạn chế nhiều hiện tượng không thuộc bài trước khi đến lớp.

GVCN cần rèn tính sắp xếp đồ dùng học tập cho các em gọn gàng ngăn nắp, tạo cho học sinh nề nếp thói quen trước khi ra chơi cất đồ dùng sách vở môn đã học vào cặp, lấy sách vở, đồ dùng môn học tiếp để trên bàn… tạo sự nghiêm túc, giảm thời gian ổn định tổ chức ngay đầu giờ mỗi tiết học.

Để giáo dục tính tự giác, phê bình và tự phê bình, mỗi học sinh trong lớp có 1 cuốn sổ theo dõi và tự cập nhật thường xuyên những ưu, khuyết điểm trong việc thực hiện nề nếp hàng ngày. Ngoài ra, tổ trưởng, lớp trưởng có sổ theo dõi thi đua để báo cáo trong giờ sinh hoạt lớp, để việc nhận xét, khen, chê đánh giá được chính xác.

Hàng tuần GVCN tổ chức giờ sinh hoạt có chất lượng. Với tinh thần tự quản, nội dung giờ sinh hoạt thường diễn ra thật vui vẻ thoải mái, lớp trưởng mời các tổ trưởng báo cáo đánh giá xếp loại của từng thành viên trong tổ, rồi cho lớp tự do góp ý, lớp trưởng nhận xét tổng kết thi đua trong tuần, biểu dương những bạn có điểm thi đua cao, nhắc nhở bạn điểm thi đua còn thấp (điểm thi đua của từng học sinh trong lớp được ghi, lưu trong bảng theo dõi nề nếp cuối lớp), và triển khai kế hoạch trong tuần tới.

Để khích lệ các em, hàng tháng tôi phát động thi đua dựa trên kế hoạch của Đoàn đội, đồng thời bản thân tôi thường gắn theo những ngày đặc biệt trong năm như: Rằm tháng 8, tết Nôel, tết nguyên đán, 26/3; 01/6 để phát động thi đua có tặng quà, khen thưởng cho những em có sự cố gắng nỗ lực trong rèn luyện đạo đức cũng như học tập.

Một trong những giải pháp để làm tốt công tác chủ nhiệm lớp là GVCN cần phối kết hợp chặt chẽ với PHHS, gắn trách nhiệm cha mẹ với con em mình bằng ký xác nhận hàng ngày vào cuối phần làm bài tập của học sinh, phân công các đại diện PHHS theo khu vực để thường xuyên nắm bắt tình hình học tập tu dưỡng của con em.

Một giải pháp mà bản thân tôi thấy có hiệu quả đó là giáo dục cho các em trong hoạt động tập thể trong và ngoài nhà trường: vui chơi, tham quan du lịch,  tìm hiểu thực tế...Qua đó tạo sự gần gũi, gắn bó, hiểu biết thêm giữa giáo viên và học sinh, xoá đi những khoảng cách, tạo cho học sinh tâm trạng coi lớp học là ngôi nhà yên ấm, thân thiện để các em học tập, sinh hoạt rèn luyện và vui chơi trong tình yêu thương.

Muốn duy trì thành quả giáo dục, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các phong trào khác, cần sự hỗ trợ của tổ chức Đoàn Đội trong nhà trường. Đoàn Đội cần tổ chức nhiều những hoạt động ngoài giờ lên lớp bổ ích cho các em. Đặc biệt giờ chào cờ đầu tuần, thay cho việc phê bình nặng nề thì mỗi tháng tổng phụ trách Đội tổ chức cho các em sinh hoạt tập thể hái hoa dân chủ với những chủ đề gần gũi, giúp các em tự tin, có điều kiện giao lưu, thêm sự hiểu biết xã hội… hoặc biểu dương gương điển hình tiêu biểu trong học tập…Việc làm đó kịp thời động viên khích lệ, tạo không khí vui vẻ, thân thiện, tạo thêm động lực cho các em thi đua phấn đấu.

Việc giáo dục phát triển nhân cách học sinh là nhu cầu cần thiết bởi bản chất của quá trình giáo dục là tổ chức toàn bộ cuộc sống, hoạt động và học tập của học sinh, tạo điều kiện thuận lợi để tiềm năng của học sinh được phát triển dưới sự giáo dục của GVCN.

Vì vậy tôi nhận thấy công tác GVCN rất cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các tổ chức của nhà trường, cha mẹ học sinh, cần sự quan tâm lãnh đạo của các cấp uỷ chính quyền, các đoàn thể nhân dân địa phương để tạo sức mạnh đồng bộ toàn xã hội cùng giáo dục thế hệ trẻ.


Hỗ trợ trực tuyến

Hotline:

(+84)

Tư vấn tuyển sinh 01

Tel: 024.62813027

Tư vấn tuyển sinh 01

Tel: 024.62813028

Liên kết website

Bản đồ đường đi

Bản đồ đường đi trung học phổ thông cầu giấy

Thống kê truy cập

Đang online:3

Đã truy cập:1550139